Trên con hẻm cuối đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM), một xóm nhỏ tầm 20 hộ dân đang vội vã làm bánh ú lá tre để cung cấp ra thị trường.
“Xóm này từ xưa tới giờ vẫn làm bánh ú, tới dịp là cung cấp cho khắp TPHCM. Ngày thường tôi làm nghề khác, nhưng cứ một tuần trước tết Đoan ngọ lại tạm nghỉ để làm bánh”, bà Nguyễn Minh Hương (ngụ quận 8) nói.
Nguyên liệu chính để làm bánh ú lá tre là gạo nếp. Trước khi được dùng để gói bánh, gạo nếp được ngâm nước tro từ nửa ngày đến 1 ngày.
Nhân bánh chủ yếu là đậu xanh, sau khi ngâm sẽ được sên với đường trên bếp lửa. Đậu xanh sau khi nấu chín được tán nhuyễn, trộn với một số nguyên liệu khác, rồi vo thành từng viên nhỏ.
Lá tre được sử dụng để gói bánh là loại lá xanh, bản to, được rửa sạch để ráo nước.
Để làm ra những chiếc bánh ú lá tre thơm ngon, dẻo bùi, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm.
Khi gói bánh, lá tre sẽ được xếp thành hình phễu, cho một muỗng gạo nếp xuống đáy, tiếp theo là nhân bánh và phủ thêm một lớp gạo nếp lên trên. Dùng dây lạt buộc chặt bánh để cố định.
Bánh sau khi được gói xong có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn. Bà Trần Thị Lan (ngụ quận 8) chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi có thể gói hơn 1.000 cái bánh. Công được trả là 500.000 đồng”.
Bánh sau đó được xếp vào nồi, đổ nước và luộc 3 – 4 tiếng. Người dân ở đây vẫn giữ truyền thống luộc bánh bằng bếp củi để giữ được hương vị đặc trưng. Những ngày cao điểm, xóm luộc được khoảng 15.000 chiếc bánh/ngày.
Sau khi bánh chín sẽ được vớt ra, ngâm qua với nước lạnh và để nguội.
Bánh thành phẩm được người dân mang ra bán ở chợ, bỏ sỉ cho các tiểu thương hoặc bày bán trước các con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển. Trung bình 1 chục bánh có giá từ 50.000 – 60.000 đồng.
Ngọc Diễm