Bác sĩ nội trú Ngô Tuấn Khiêm, Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân N.T.A (19 tuổi) được chẩn đoán mắc hưng cảm, đang điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai.
Mẹ bệnh nhân cho biết A là con cả trong gia đình, được đánh giá là ngoan ngoãn, hiền lành, ít bạn bè, học lực khá.
Theo lời mẹ bệnh nhân, sau khi học xong lớp 12, A không học tiếp lên Đại học mà đi bán quần áo.
Hai năm trước, A có biểu hiện vui vẻ quá mức, luôn thấy mình nhiều năng lượng, làm viêc không biết mệt mỏi. A hay cười nói, bắt chuyện với mọi người, nói hết chuyện này sang chuyện khác.
Cô gái trẻ cũng tự nhiên thích đi giúp đỡ mọi người hơn, chẳng hạn như đi quét rác trong trường, đi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là những việc mà trước đây cô không bao giờ làm.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, A ngủ ít nhưng vẫn thấy mình rất khỏe, vẫn có thể làm mọi việc. Bệnh nhân tăng mua sắm đồ đạc như: quần áo, giày dép, đến mức vượt quá khả năng chi tiêu (số tiền bố mẹ cho). Các triệu chứng trên kéo dài 3 tháng rồi giảm dần, bệnh nhân không đi khám hay điều trị ở đâu.
Khoảng 1 năm sau, A xuất hiện dấu hiệu buồn chán, không muốn làm việc gì, không còn những sở thích trước đây, bị sụt cân nhẹ. Kèm theo đó bệnh nhân cũng gặp tình trạng mất ngủ, có đêm A thức trắng và cảm thấy bi quan, mệt mỏi, thậm chí có nhiều lần nghĩ đến cái chết.
Bệnh nhân thường nghĩ đến việc tự tử vào buổi tối, khi nằm 1 mình, không ngủ được và thấy tương lai ảm đạm. Tuy nhiên, sau đó 2 tháng, các triệu chứng trên lại tự thuyên giảm. Gia đình chỉ nghĩ bệnh nhân thay đổi tính tình ở tuổi mới lớn.
Gần đây nhất là 3 tuần trước khi vào viện, A lại xuất hiện triệu chứng tương tự như cách đây 2 năm, bao gồm: vui vẻ quá mức, thấy nhiều năng lượng, làm việc không biết mệt mỏi… bệnh nhân dù mất ngủ nhưng vẫn thấy mình khỏe, có thể làm việc được.
Đặc biệt, A tăng nhu cầu, ham muốn tình dục, thậm chí A đã quan hệ tình dục bừa bãi với nhiều người.
Cùng thời gian này, A có nhiều ý tưởng kinh doanh, buôn bán không tưởng, chẳng hạn như ấp ủ dự định mở hệ thống cửa hàng bán quần áo, dự định mở mấy công ty buôn bán xuyên quốc gia.
Thấy A có biểu hiện bất thường, mọi người đã khuyên bảo nhưng A không nghe. Khi các triệu chứng ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng đến công việc hiện tại của A thì cô mới được gia đình đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện đang ở giai đoạn hưng cảm và có triệu chứng loạn thần. Bệnh nhân được nhập viên điều trị nội trú 15 ngày, kết hợp điều trị dùng thuốc và trị liệu tâm lý. Sau khi điều trị, các triệu chứng của bệnh đã thuyên giảm, bệnh nhân giảm hưng phấn, có cảm xúc ổn định hơn, hết hoang tưởng, ăn ngủ bình thường và hợp tác điều trị.
BSCKII Nguyễn Thị Ái Vân, Phòng Điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rối loạn cảm xúc lưỡng cực (Bipolar Disorder) đặc trưng bởi ít nhất từ 2 giai đoạn với khí sắc và mức độ hoạt động bị rối loạn rõ rệt.
Bệnh nhân có giai đoạn tăng khí sắc, sinh lực và hoạt động (hưng cảm nhẹ hoặc hưng cảm) và ở những giai đoạn khác, bệnh nhân sẽ giảm khí sắc, sinh lực và hoạt động (trầm cảm). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân chỉ có giai đoạn hưng cảm hoặc giai đoạn hưng cảm nhẹ lặp lại cũng được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh
Theo bác sĩ Ái Vân, rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể do gene di truyền. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi người thân bậc một của một người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực thì người đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 10 lần so với dân số chung.
Nghiên cứu trên các cặp sinh đôi cũng chỉ ra rằng tỉ lệ mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực ở các cặp song sinh cùng trứng là khoảng 60-80%, trong khi tỉ lệ này chỉ khoảng 20% ở những cặp song sinh khác trứng.
Bên cạnh đó, sự thay đổi các quá trình sinh học trong cơ thể hoặc biến đổi hình ảnh học của não bộ cũng là một trong những gây rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
Theo bác sĩ Vân, ngoài các nguyên nhân trên, một số yếu tố khác cũng có thể gây ảnh hưởng và tăng nguy cơ mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực, cụ thể:
– Căng thẳng: Các sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, hoặc mất việc có thể gia tăng khả năng khởi phát triệu chứng bệnh.
– Rối loạn nhịp sinh học: Các thay đổi trong nhịp sinh học, chẳng hạn như thiếu ngủ hoặc làm việc theo ca, có thể dẫn đến mất cân bằng hóa học trong não, làm tăng nguy cơ mắc rối loạn hưng cảm hoặc trầm cảm.
– Thiếu các mối quan hệ xã hội và hỗ trợ xã hội: Thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có thể làm tăng nguy cơ tái phát các giai đoạn bệnh, trong khi môi trường xã hội tích cực có thể giúp giảm tần suất và cường độ của các giai đoạn bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết một người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình mọi người cần phải đặc biệt lưu ý:
– Vui vẻ quá mức: Người bệnh có thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan. Nếu bị phản đối, họ có thể chuyển thái độ nhanh chóng từ vui vẻ quá mức sang nổi cáu và gây sự với những người phản đối.
– Giảm nhu cầu ngủ: Người bệnh có thể thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ nhưng không thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống.
– Nói nhiều, nói nhanh: Bệnh nhân thường có áp lực phải nói, nói to, nói nhanh và khi đã nói thì khó có thể ngừng lại.
– Tư duy phi tán: Ý nghĩ của bệnh nhân có thể tăng nhanh về tốc độ nhưng các ý nghĩ này vẫn có mối liên kết với nhau. Khi bùng nổ ý nghĩ, ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn và không phù hợp.
– Phân tán chú ý: Người bệnh mất khả năng tập trung, chú ý. Họ không thể tập trung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài.
– Tăng hoạt động ưa thích.
– Tự cao: Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường. Trường hợp nhẹ thì bệnh nhân sẽ giảm sự tự phê bình, trường hợp nặng hơn thì bệnh nhân sẽ tự đề cao mình và có thể đạt đến mức độ hoang tưởng.