Ngày 30.9, thông tin từ Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, đơn vị đang phối hợp với Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản (Bộ TN-MT) tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng để lên phương án giải cứu hệ sinh thái thảm thực vật đang nguy cơ chết khô.
Theo đó, trong đợt khảo sát từ 25 – 27.9, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phối hợp với các chuyên gia của Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng, nguy cơ tai biến địa chất tại các điểm tham quan trong khu vực di sản vịnh Hạ Long sau bão số 3 (Yagi).
Cụ thể, các chuyên gia đã đánh giá hiện trạng hệ thống các khe nứt, mặt trượt, kích thước, hình thái các khối đá có nguy cơ trượt lở tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long.
Cũng theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, bão số 3 đã khiến các hang động bị rung lắc, gây ra hiện tượng các khối, viên đá nhỏ rơi, trượt. Cùng với đó, hàng loạt thảm thực vật trên các núi đá bị héo khô.
Dựa trên các kết quả này, các chuyên gia sẽ đề xuất biện pháp cảnh báo các khu vực có nguy cơ tai biến, góp phần bảo tồn và phát huy bền vững giá trị địa chất, địa mạo của vịnh Hạ Long.
Qua báo cáo của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, sau khi bão số 3 đi qua, thảm thực vật trên các núi đá vốn xanh tốt nay đã trở nên xơ xác: cây bị bật gốc, đổ gãy, vò nát, trụi lá; nhiều tán rừng cây chuyển sang màu nâu vì héo khô khiến khách du lịch cảm thấy xót xa.
Điển hình như tại khu vực núi đá tại động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ hay hang Sò có tới 30% cây cối không có khả năng phục hồi do bật gốc, gãy đổ. Còn tại làng chài Vung Viêng cây bị rụng lá, gãy đổ chiếm khoảng 70 – 80%.
Sự đa dạng sinh học của hệ thực vật là một trong những giá trị độc đáo của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đây là điều du khách vô cùng thích thú khi đặt chân khám phá kỳ quan này.
Trước nguy cơ hệ sinh thái dần lụi tàn và có nguy cơ bị biến mất, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần sớm vào cuộc để giải cứu giá trị độc đáo tại di sản của nhân loại.
Tàn khốc bão Yagi: Một kỷ lục chưa từng xảy ra