Dùng du thuyền triệu đô khảo sát phát triển du lịch
Mới đây, trên du thuyền triệu đô La Marguerite, Sở VH-TT-DL Vĩnh Long phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM và các tỉnh thành tổ chức tọa đàm chủ đề “Khai phá tiềm năng và phát triển bền vững du lịch tỉnh Vĩnh Long và đường sông Mê Kông”.
Tại buổi tọa đàm, ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Long, giới thiệu tiềm năng du lịch đường sông của tỉnh. Với vị trí địa lý nằm giữa ĐBSCL, Vĩnh Long không ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, sở hữu nguồn nước ngọt dồi dào cùng lượng lớn phù sa do dòng sông Mê Kông mang lại hình thành nên những cù lao ven sông Tiền và sông Hậu như: cù lao An Bình, cù lao Dài, cù lao Lục Sỹ Thành. Trên những cù lao này, rất thuận lợi cho việc phát triển vườn trái cây ăn trái đặc trưng của vùng nhiệt đới như chôm chôm, sầu riêng, bưởi, cam, măng cụt, xoài, nhãn, mận…
Bên cạnh đó, Vĩnh Long có nhiều cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng hỗ trợ phát triển du lịch đường sông như: Bến cảng hành khách Vĩnh Long, đội ngũ tàu du lịch hàng trăm chiếc; các điểm, khu du lịch sinh thái, cụm homestay ở các xã cù lao thuộc H.Long Hồ mang đặc thù gắn với vùng sông nước. Những năm gần đây, Vĩnh Long cũng đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới gắn với đường sông như tuyến du lịch trên sông tham quan nhà dừa Coco home (xã Hòa Ninh, H.Long Hồ); tham quan làng nghề gạch gốm ở kênh Thầy Cai (H.Mang Thít), di tích lịch sử văn hóa đặc sắc…
Nhiều di tích, cơ sở được công nhận kỷ lục Việt Nam
Du thuyền La Marguerite đã đưa các doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM và các tỉnh thành khảo sát, các điểm du lịch ở Vĩnh Long, như: Nhà gốm Tư Buôl được xác lập kỷ lục là Ngôi nhà được xây dựng bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam; Đường gốm đỏ và hoa ở Vĩnh Long được xác lập kỷ lục dài nhất Việt Nam; Ngôi nhà dừa được xây dựng từ hơn 4.000 cây dừa và được công nhận là nhà dừa Việt Nam chỉ có ở Vĩnh Long; Làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít với khoảng 1.000 lò hình quả trứng còn tồn tại trên thực tế chỉ có duy nhất ở Vĩnh Long và đang quy hoạch định hướng trở thành “Di sản đương đại” trong tương lai kết hợp với phát triển du lịch; Sản phẩm “Đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội ở đình làng” chỉ có duy nhất ở Vĩnh Long; Văn Thánh Miếu là di tích duy nhất Nam bộ còn giữ nét nguyên bản gần 200 năm cho đến ngày nay; Công Thần Miếu còn lưu giữ nguyên bản 85 sắc phong triều Nguyễn; Minh Hương hội quán lưu giữ 3.000 trang Hán Nôm rất có giá trị cho việc nghiên cứu…
Bà Cao Xuân Thu Ngọc, Phó giám đốc Đài PT-TH tỉnh Bạc Liêu cho biết, Vĩnh Long có tiềm năng du lịch rất lớn, nhất là các khu vực đặc thù như khu lò gạch gốm ở H.Mang Thít. “Vĩnh Long có nhiều khu vực cảnh quan đặc thù, tự nhiên. Muốn giữ vẻ tự nhiên, cần phải nâng niu và kết hợp yếu tố con người để phát triển, nhưng không làm thay đổi quá nhiều tự nhiên. Cần xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp để du lịch Vĩnh Long ngày một phát triển hơn”, bà Cao Xuân Thu Ngọc nhận định.
Các đại biểu đến từ nhiều tỉnh thành đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm khai phá du lịch đường sông ở Vĩnh Long, như: Phát triển du lịch bền vững gắn với sông Mê Kông trở thành ngành kinh tế trọng điểm tại Vĩnh Long và toàn bộ sông Mê Kông; Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các phương án để thúc đẩy du lịch đường sông Vĩnh Long và Mê Kông trở nên hấp dẫn hơn đối với du khách trong nước và quốc tế; Đề xuất những ý tưởng tạo ra các sản phẩm đột phá, độc đáo riêng biệt cho du lịch đường sông tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng và sông Mê Kông nói chung.
Giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết, trong năm 2024, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã đề cập đến nội dung liên kết phát triển tour du lịch đường sông do ngành du lịch TP.HCM khởi xướng. Các tỉnh, thành ĐBSCL đang phối hợp với TP.HCM cung cấp thông tin để xây dựng tuyến du lịch đường sông bắt đầu từ TP.HCM. Đây cũng là dịp để thúc đẩy, khai phá tiềm năng du lịch đường sông ở Vĩnh Long và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tại tỉnh nhà.
Du thuyền La Marguerite có giá trị hơn 8 triệu USD, nổi bật với màu sơn trắng cùng thiết kế cổ kính, đậm chất kiến trúc Pháp. Du thuyền gồm 4 tầng, dài 72 m với 46 cabin, phục vụ tối đa 92 khách (chưa bao gồm thuyền viên). Tên của du thuyền gợi nhớ về câu chuyện tình nổi tiếng giữa cô Marguerite và người đàn ông Hoa kiều tên Huỳnh Thủy Lê. Cả 2 tình cờ gặp nhau trên chiếc phà qua sông Tiền và đã yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.