Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên trong ngày, diễn ra nhanh gọn với các món không cần chế biến cầu kỳ, ăn theo thói quen và sở thích của mỗi gia đình, nhưng cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, bữa sáng giúp cơ thể nạp năng lượng sau một đêm dài, tăng thêm chất dinh dưỡng, tăng mức độ tập trung, tăng cường trí nhớ. Ăn sáng đúng cách ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý.
Nhiều bạn trẻ hiện bỏ bữa sáng, ăn gộp vào bữa trưa để tiết kiệm, giảm cân, giữ dáng nhưng thói quen này hại nhiều hơn lợi.
Nếu bạn bỏ hoặc ăn bữa sáng quá muộn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của cơ thể do không được đáp ứng lượng protein, vitamin, khoáng chất. Về lâu dài, thói quen này có thể gây ảnh hưởng tới năng suất làm việc, suy giảm khả năng miễn dịch do cơ thể lấy năng lượng dự trừ từ gan khiến gan hoạt động quá sức, có thể gây viêm loét dạ dày do dịch vị dạ dày tiết ra không có thức ăn tiêu hóa.
Không ăn sáng, bạn có xu hướng ăn nhiều vào bữa trưa và tối để lấy năng lượng, dẫn tới thừa năng lượng gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến cáo nên chia nhỏ bữa ăn thay vì gộp còn 2 bữa trong ngày, khối lượng thức ăn quá nhiều.
Lưu ý, thời gian ăn sáng quá muộn gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Một nghiên cứu về thói quen ăn uống cho thấy, người ăn sáng sau 9h nguy cơ mắc tiểu đường type 2 cao lên 59%. Vì vậy, việc dậy sớm ăn sáng trước 8h sẽ giúp bạn tránh nguy cơ mắc bệnh.
Những người cần ăn sáng đúng giờ gồm trẻ nhỏ, người già, bệnh nhân tim mạch, tiểu đường, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản.
Người bệnh tiểu đường cần duy trì mức đường huyết ổn định. Nhịn ăn sáng hoặc ăn quá muộn có thể gây ra biến động đường huyết, nguy hiểm cho sức khỏe.
Thời điểm ăn sáng tốt nhất từ 7-8h, 30 phút sau khi ngủ dậy. Trước khi ăn sáng, bạn nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt hệ tiêu hóa. Bạn không nên ăn sáng quá no, hạn chế dùng thực phẩm quá lạnh. Một bữa sáng cần đủ chất bột đường, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.