Dao là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gian bếp, ở mọi gia đình. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rằng việc sử dụng những chiếc dao không đảm bảo an toàn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Thực tế, dao kém chất lượng hoặc dao đã bị hư hỏng có thể giải phóng các chất độc hại vào thực phẩm khi cắt, thái. Những chất này khi tích tụ lâu ngày có thể gây ra ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa và cơ quan nội tạng. Vì vậy, tiếc mấy cũng đừng giữ lại 5 loại dao dưới đây nếu bạn không muốn biến bữa ăn thành “thuốc độc” nhé!
1. Dao bị gỉ sét hoặc có mùi kim loại khó chịu
Dùng dao bị gỉ sét là một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm độc trong thực phẩm. Khi dao bị gỉ sét, các oxit kim loại có thể dễ dàng hòa tan và lẫn vào thức ăn. Đặc biệt, với những món ăn có tính axit cao như cà chua, chanh thì gỉ sét sẽ phản ứng mạnh hơn, làm tăng lượng oxit kim loại được giải phóng. Tương tự, dao có mùi kim loại khó chịu do chất lượng thép kém hoặc lẫn nhiều tạp chất, bị oxy hóa cũng có thể gây nhiễm độc khi tiếp xúc với thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Dao có lớp phủ chất lượng kém hoặc quá sặc sỡ
Ngày nay, không ít loại dao được phủ lên một lớp chống dính hoặc chống gỉ sét. Tuy nhiên, nếu bạn không may mua phải loại dao có lớp phủ này kém chất lượng thì lại phản tác dụng, dễ ăn “thuốc độc” vào người. Do chúng rất dễ bong tróc hoặc trầy xước và rơi vào thức ăn. Trong khi chúng có thể chứa kim loại, hóa chất độc hại. Đặc biệt là với những loại dao được phủ màu sặc sỡ thì càng nguy hiểm vì thường sử dụng các loại sơn có chứa chất tạo màu và hóa chất độc hại. Khi lớp sơn này bị mài mòn hoặc bong tróc, các hóa chất như chì hoặc cadmium sẽ nhiễm vào thực phẩm và xâm nhập vào cơ thể.
3. Dao bị cong vênh, trầy xước, sứt mẻ nhiều
Đừng xem nhẹ những con dao bị cong vênh, trầy xước bề mặt hay sứt mẻ nhiều. Chúng không chỉ gây khó khăn trong việc cắt thái mà còn dễ khiến các mảnh vụn nhỏ từ lưỡi dao lẫn vào thực phẩm. Như vậy sẽ gây nguy hiểm khi vô tình nuốt phải, đồng thời ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa, tổn thương niêm mạc dạ dày. Các phần trầy xước, sứt mẻ cũng khó làm sạch hơn nên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn. Ngoài ra, dao không còn sắc bén cũng làm mất kết cấu tự nhiên của thực phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị dinh dưỡng.
4. Dao có cán nhựa bị nứt gãy hoặc cán gỗ nấm mốc
Nếu trong nhà có dao mà cán nhựa của nó bị nứt gãy hoặc cán gỗ nấm mốc thì hãy vứt bỏ ngay hoặc ít nhất là thay mới phần cán. Các khe nứt ở cán dao cũng là nơi vi khuẩn dễ dàng sinh sôi và phát triển, gây nhiễm khuẩn chéo khi dao được sử dụng để cắt nhiều loại thực phẩm khác nhau. Các hạt nhựa có thể rơi ra khi dùng lực mạnh và lẫn trong đồ ăn. Đặc biệt là nhựa chất lượng kém còn chứa các chất độc hại. Nguy hiểm hơn, cán gỗ của dao khi bị nấm mốc có thể chứa chất cực độc Aflatoxin gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác, có thể tiếp xúc hoặc rơi xuống thực phẩm khi cắt thái.
5. Dao dùng chung để cắt thực phẩm sống và chín lâu ngày
Dùng chung một chiếc dao để cắt thái thực phẩm sống và chín là thói quen rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn chéo. Khi dao đã cắt thịt sống, vi khuẩn từ thịt dễ bám vào lưỡi dao, và nếu tiếp tục dùng dao này để cắt thực phẩm chín mà không vệ sinh kỹ lưỡng, nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn đã chế biến là rất cao. Điều này có thể gây ra ngộ độc thực phẩm và các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng.
Tuy nhiên, với loại dao này bạn không nhất thiết phải vứt bỏ. Nếu vẫn muốn dùng tiếp, chỉ cần kiểm tra lại, vệ sinh kỹ và đảm bảo dùng nó chỉ cắt thực phẩm sống hoặc chỉ cắt thực phẩm chín về sau là được.
Nguồn và ảnh: China Times, Health TVBS