Vào đầu năm 2022, Nguyễn Hoàng Đức lần đầu nhận giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam. Trên bục vinh danh, anh nói về giấc mơ xuất ngoại “để thể hiện khả năng của cầu thủ, con người Việt Nam”.
Hơn 30 tháng sau, lúc này người đã sở hữu hai Quả bóng Vàng và được cho là ngôi sao có khả năng thành công lớn nhất nếu ra nước ngoài thi đấu, lại khiến tất cả ngỡ ngàng khi chuyển xuống hạng Nhất với khoản tiền lót tay được cho là gần 30 tỷ đồng.
Hoàng Đức sẽ không cô đơn. Ở đội bóng mới còn có một tuyển thủ quốc gia khác là Đặng Văn Lâm, người gia nhập đội trẻ TP.HCM nhưng sau cuộc hoán đổi quân số lại trở thành người Phù Đổng Ninh Bình (cùng Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Thanh Thịnh và Đinh Thanh Bình). Và mới đây, Nguyễn Công Phượng cũng ký hợp đồng với Câu lạc bộ Bóng đá Trường Tươi Bình Phước, tạo nên câu chuyện ồn ào ở giải hạng Nhất.
Giải hạng Nhất Quốc gia có 11 đội tham gia, kéo dài trong 34 tuần, bắt đầu khởi tranh từ 26/10/2024 đến 21/6/2025. Với 22 vòng đấu, bình quân các đội sẽ chờ 1,5 tuần, hay 10,8 ngày để chơi một trận đấu.
Chất lượng giải hạng Nhất ra sao hẳn tất cả đều rõ, với số lượng CLB biến động tùy thuộc khả năng duy trì của mỗi đội.
Như năm nay chỉ có 11 đội tham dự, dù ít hơn 1 so với năm ngoái nhưng vẫn được coi là thành công khi vào phút chót có thêm 2 đội đăng ký và Long An được giải cứu. Điều này nhấn mạnh sự bất ổn cũng như tính cạnh tranh thấp của giải đấu.
Chỉ có một số ít đội được đầu tư mạnh mẽ và đặt mục tiêu thăng lên V-League, trong khi rất nhiều đội vật lộn với bài toán kinh phí.
Vì tới Ninh Bình sau thời hạn đăng ký Cúp Quốc gia, Hoàng Đức sẽ chỉ thi đấu ở mặt trận hạng Nhất với tối đa 22 trận. Vì lẻ đội, sẽ có vòng một đội nghỉ chơi, tạo nên quãng nghỉ khá dài (như Hoàng Đức cùng các đồng đội sẽ không thi đấu từ 19/11/2024 đến 23/1/2025).
Với một cầu thủ đẳng cấp, ở độ tuổi cần ra sân liên tục và phải chơi ở môi trường cạnh tranh cao, chuyển xuống hạng Nhất là một bước lùi.
Trung Quốc lại “trắng tay” trong cay đắng, ngập tràn lo lắng về Indonesia?ĐỌC NGAY
Chúng ta biết rằng đời cầu thủ ngắn, có được bản hợp đồng tốt để ổn định về mặt tài chính là chuyện đáng mừng. Nhưng quá nhiều cầu thủ chấp nhận đánh đổi bằng một bước lùi, thực sự rất đáng lo ngại cho cả ĐTQG và cả nền bóng đá. Và đây là câu chuyện của tư duy nghề nghiệp cũng như một định hướng tốt để phát triển bản thân.
Một cựu tài năng của bóng đá Việt nhưng không bao giờ phát huy hết giá trị từng thổ lộ với tôi trong tiếc nuối, rằng “giá như ngày xưa em có một người định hướng, chỉ vẽ và giúp mình đưa ra các quyết định đúng, sự nghiệp có thể đã rất khác”. Bây giờ thì khác, có rất nhiều người tham gia vào ngành công nghiệp bóng đá với vai trò đại diện cầu thủ (hay quản lý, môi giới hoặc cò).
Từ khi các cầu thủ còn rất trẻ đã được săn đón bởi những người này, sau đó giúp mang về các hợp đồng thương mại và đạo diễn những vụ chuyển nhượng với số tiền lót tay lớn.
Dĩ nhiên với cầu thủ, có người đại diện là cần thiết. Vấn đề ở chỗ, không phải đại diện nào cũng có tầm nhìn dài hạn, tìm cách nâng cao giá trị cầu thủ thông qua bóng đá. Thay vào đó, họ cố gắng tối đa hóa lợi ích tài chính ngay khi có thể, bất chấp hệ lụy sau đó.
Hẳn tất cả đều biết về Mino Raiola, người được biết đến với biệt danh “siêu cò”. Trong lần đầu gặp Zlatan Ibrahimovic, ông đã hỏi “cậu muốn kiếm thật nhiều tiền hay trở thành cầu thủ số 1?”.
Khi nghe tiền đạo người Thụy Điển, lúc đó mới tuổi đôi mươi, chọn vế sau, Raiola lập tức yêu cầu bán xe, bán đồng hồ và phải chăm chỉ tập luyện gấp ba, ghi bàn nhiều gấp đôi. Sau này, nhờ tài năng bản thân và sự đạo diễn của Raiola, Ibrahimovic kinh qua hàng loạt đội bóng lớn với tổng giá trị chuyển nhượng lên đến 169 triệu euro.
Theo quan niệm của Raiola, “tiền bạc là kết quả hợp lý của một công việc được hoàn thành tốt”. Trước khi mất năm 2022, ông đã giúp nhiều cầu thủ sống tốt quãng đời còn lại nhờ vào nỗ lực không ngừng trên sân cỏ, giúp họ ký những bản hợp đồng kếch xù ở những sân khấu lớn, không phải giải hạng Nhất.