Hội thảo thu hút tham gia của hơn 100 đại biểu, đại diện cơ quan quản lý địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận.
Trọng tâm trong chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh cho biết, những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu trọng tâm trong chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới, chứ không riêng Việt Nam.
Tại Bình Thuận, hoạt động du lịch, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đang được thúc đẩy để nhanh chóng chuyển đổi xanh, tạo động lực để đẩy nhanh tiến trình phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Minh, mặc dù địa phương đã có chính sách và có lộ trình chuyển đổi xanh; nhưng thực tế, tiến độ “xanh hóa” của doanh nghiệp vẫn còn chưa đạt yêu cầu.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, điều này có thể bắt nguồn từ việc doanh nghiệp còn chưa được hướng dẫn kỹ càng để có thể xây dựng một lộ trình chuyển đổi phù hợp.
Với bối cảnh đó, ông Minh đánh giá cao ý tưởng thực hiện hội thảo này và kỳ vọng những chia sẻ từ các chuyên gia, trao đổi của doanh nghiệp sẽ góp phần đưa đến những đề xuất có tính khả thi cao, để phát triển mô hình du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Cơ hội thúc đẩy các dự án du lịch xanh
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch, (đại diện VIAC) đánh giá cao tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch xanh của Bình Thuận. Theo TS Trần Du Lịch, Bình Thuận cũng được xác định là trung tâm năng lượng quốc gia, có nền tảng tốt để khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
“Với những thuận lợi này, tỉnh hoàn toàn có cơ hội thúc đẩy các dự án du lịch xanh, đóng góp tích cực cho lộ trình phát triển bền vững của kinh tế của khu vực và cả nước”, ông Lịch phát biểu.
Ông Trần Du Lịch cũng nhận định, du lịch xanh hiện đang là xu hướng toàn cầu khi nó có thể hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường, nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và bảo tồn được các di sản tự nhiên.
Mặt khác, ông Trần Du Lịch chia sẻ thêm rằng, tăng trưởng xanh là một lộ trình dài, phức tạp, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng người dân, doanh nghiệp phải quyết tâm, kiên trì và sáng tạo.
Việc đưa tiêu chuẩn xanh vào cuộc sống đã là khó, “xanh hóa” hoạt động kinh doanh sẽ lại càng khó và càng cần bài bản hơn. Khi chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, rủi ro khi thử nghiệm mô hình mới, rủi ro khi vận dụng chính sách mới, rủi ro khi làm việc, thương thảo hợp đồng với các đối tác mới.
Trong khi đó, với vai trò người hoạt động lâu năm trong ngành du lịch, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa cho rằng, các mô hình du lịch xanh phát huy lợi thế địa hình biển ở Mũi Né, Bình Thuận vẫn tiếp tục được duy trì một cách hiệu quả. Các resort ven biển của Bình Thuận vẫn là điểm đến thu hút khá nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài lợi thế này, Bình Thuận còn đang khai thác thêm các thuận lợi tự nhiên khác như sông, hồ, rừng, thác để làm du lịch. Theo đó, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch kết hợp khám phá danh lam thắng cảnh, du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử, du lịch nông thôn… cũng bắt đầu được mở rộng thêm. Hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bền vững, doanh nghiệp du lịch đã có nhiều phương án nhằm đa dạng, xanh hóa tối đa các sản phẩm du lịch, tái đầu tư với các trang thiết bị, tận dụng thiên nhiên, thắng cảnh. Ông Khoa cho rằng, để du lịch xanh trở nên phổ biến và hiệu quả, cần sớm xây dựng các tiêu chí về xanh, đồng thời chính quyền, các cơ quan liên quan cũng nên rà soát và có ý kiến điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý cho du lịch nói chung và du lịch xanh nói riêng.