Ngày 11.9, giá xăng dầu lao dốc, giá dầu Brent giảm 2,65 USD, tương đương 3,69%, xuống 69,19 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ cuối năm 2021; giá dầu WTI giảm 2,96 USD, tương đương 4,31%, xuống 65,75 USD/thùng. Đáng chú ý trong phiên, giá dầu WTI có thời điểm giảm hơn 5%.
Theo Reuters, trong báo cáo hằng tháng vừa công bố, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,03 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm so với dự báo tăng trưởng 2,11 triệu thùng/ngày cũng của tổ chức này vào tháng trước.
Tuy nhiên, ngược với dự báo của OPEC, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) lại có dự báo về nhu cầu tích cực hơn, dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm nay, trong khi sản lượng sẽ thấp hơn dự báo trước đó. Theo EIA, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt trung bình khoảng 103,1 triệu thùng/ngày trong năm 2024, cao hơn 200.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó là 102,9 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích cho rằng, ngoài nguồn cung tăng, giá dầu giảm một phần bởi dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tiếp tục giảm. Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, nói các nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại.
Trong nước, Viện Dầu khí Việt Nam dự báo, tại kỳ điều hành ngày mai 12.9, giá xăng có thể giảm mạnh từ 4 – 4,8%, giá dầu giảm khoảng 2,6 – 5,3% nếu liên Bộ Tài chính – Công thương không trích lập hay chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Viện Dầu khí cũng dự báo liên bộ sẽ không sử dụng chi/trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại kỳ này.
Sáng 11.9, một số thương nhân đầu mối xăng dầu dự báo giá xăng tại kỳ điều hành chiều mai có thể giảm sâu, hơn 1.000 đồng/lít. Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu trong nước sẽ có tuần giảm giá thứ 4 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước có 17 lần tăng, 18 đợt giảm. Trong khi đó, giá dầu tăng 15 lần, giảm 20 lần.