Khách tăng mạnh, sao khách sạn vẫn lỗ?


Loạt khách sạn trên “đất vàng” báo lỗ hàng trăm tỉ

Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính nửa đầu năm 2024 với khoản lỗ sau thuế hơn 115 tỉ đồng. Thiên Phúc được biết đến là chủ sở hữu khách sạn 4 sao Novotel Saigon Centre. Khách sạn có quy mô 247 phòng, tọa lạc tại 167 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM. Bản báo cáo từ doanh nghiệp (DN) cho thấy tại thời điểm cuối tháng 6, chủ Novotel Saigon Centre đang âm vốn chủ sở hữu hơn 454,5 tỉ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Thiên Phúc đạt mức 10,67 tại thời điểm giữa năm nay, tương đương số nợ khoảng 4.850 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm gần 3.000 tỉ đồng.

Khách tăng mạnh, sao khách sạn vẫn lỗ?- Ảnh 1.

Du khách tắm biển ở TP.Phan Thiết vào chiều 2.9 vừa qua

Cùng cảnh ngộ, Công ty CP Bông Sen (Bông Sen Corp) – ông lớn trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, sở hữu chuỗi khách sạn đắc địa ở TP.HCM, gồm: Bông Sen Saigon (117-123 Đồng Khởi), Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng)… cùng chuỗi nhà hàng ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ… cũng vẫn chưa thoát khỏi cơn lỗ triền miên 3 năm liên tiếp. Báo cáo thông tin tài chính năm 2023 mà DN này công bố hồi tháng 4 cho thấy Bông Sen lỗ 668 tỉ đồng. Năm 2021 và 2022, Bông Sen lỗ lần lượt 185 tỉ đồng và 478 tỉ đồng. Đáng chú ý, đến hết năm 2023, công ty đã không thanh toán 4.800 tỉ đồng gốc trái phiếu và hơn 668 tỉ đồng lãi với lý do được đưa ra là “tài khoản bị phong tỏa”.

Du lịch TP.HCM thu hơn 2.900 tỉ đồng trong dịp lễ Quốc khánh

Hồi đầu năm, một “đại gia” của chuỗi khách sạn có tiếng tại Hội An cũng phải quyết định bán lỗ 4 khách sạn để có tiền trả nợ ngân hàng. Trong đó có khách sạn phải bán cắt lỗ đến 40%. Không chỉ những tên tuổi lớn, không ít DN, cá nhân tại các hub du lịch như Hà Nội, TP.HCM cũng phải tìm cách rao bán bất động sản là các khách sạn lớn, nhỏ khác nhau nhằm “thoát lỗ”.

Thông tin rao bán các khách sạn thuộc khu vực phố cổ Hà Nội hay trên một số tuyến đường quận trung tâm của TP.HCM có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang thương mại điện tử về bất động sản. Trong khi đó, đi dọc tuyến đường ven biển tại Mũi Né – Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), du khách không khỏi xót xa khi hàng loạt dự án resort quy mô lớn bị bỏ hoang, nằm trơ những khối sắt thép, bê tông ngay sát biển, tại những vị trí đẹp nhất. Khó ai có thể tưởng tượng đây là điểm đến được mệnh danh là “thủ phủ resort”.

Hình ảnh thực tế càng gây hoang mang hơn khi theo số liệu thống kê từ ngành du lịch, lượng khách quốc tế đến VN từ cuối năm ngoái đến nay tăng trưởng rất mạnh, các địa phương thì liên tục “bội thu” sau mỗi mùa cao điểm du lịch.

Đơn cử, chỉ trong 5 ngày lễ 30.4 – 1.5, tỉnh Bình Thuận đã đón 220.000 lượt khách tham quan, lưu trú, tăng khoảng 25% so với năm du lịch đột phá 2023 nhờ đưa vào khai thác cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Công suất phòng toàn tỉnh theo báo cáo bình quân đạt khoảng 75 – 95%, doanh thu khoảng 420 tỉ đồng. Tiếp đến những tháng cao điểm hè, khu vực Hàm Tiến – Mũi Né được ghi nhận luôn trong tình trạng kín phòng, công suất khoảng 90%, có resort đạt xấp xỉ 100% như Centara Mirage Muine, The Cliff Resort. Tình trạng không còn phòng cũng xảy ra tại khu vực Hàm Thuận Nam và Tiến Thành.

Đạt con số áp đảo về lượng khách phải kể đến TP.HCM – cũng là địa phương ghi nhận nhiều khách sạn “khủng” báo lỗ nhất. Kết thúc 7 tháng, lượng khách quốc tế đến TP đã hơn 3 triệu lượt, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa ghi nhận hơn 20 triệu lượt, tăng 7,6%. Lượng khách tăng mạnh cùng sức chi tiêu được đánh giá cao đã giúp ngành du lịch TP mang về 108.004 tỉ đồng doanh thu, tăng 15,4%.

Tính chung trên cả nước, số liệu từ Cục Du lịch quốc gia ghi nhận từ tháng 1-7, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Khách tăng là thật, nhưng lỗ cũng là thật

Ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc của Oxalis Adventure và Oxalis Holiday, ghi nhận lượng khách đặt tour khám phá Sơn Đoòng đã sớm kín chỗ đến hết năm nhưng mảng khách sạn của công ty đang gặp khó. Ước tính năm nay DN của ông lỗ khoảng 3 tỉ đồng ở mảng khách sạn, trong khi đến hết 2023 vẫn có lời.

Lý do đầu tiên là có tới 60% khách truyền thống trong nước đến từ các tỉnh miền Nam. Từ đầu năm đến nay, do giá vé máy bay tăng mạnh, người dân tiết giảm chi tiêu, hạn chế các chuyến đi xa nên dòng khách này cũng giảm theo. Khách từ các tỉnh, thành miền Bắc tự lái xe đi du lịch khá đông nhưng chỉ thích tắm biển nên hệ thống khách sạn của Oxalis bị mất lợi thế.

Đối với khách quốc tế, dòng khách từ Mỹ, Tây Âu tăng trưởng tốt nhưng nhìn chung vẫn chưa thể bằng thời điểm trước dịch. Chưa kể, sau dịch, sở thích và hành vi của du khách thay đổi rất nhiều. Họ có xu hướng tìm đến những khu homestay không cần quá sang trọng, dịch vụ chất lượng cao, mà chỉ cần có thể tự do hát hò, “quậy phá”…

“Trước đây, hệ thống khách sạn của tôi bán giá 2,6 triệu đồng/đêm mà vẫn kín, mùa hè vừa rồi hạ giá mà vẫn trống phòng. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên dù khách thực tế có tăng nhưng những hệ thống khách sạn kinh doanh thuần phục vụ cho du lịch vẫn rất khó khăn”, ông Nguyễn Châu Á thông tin.

Theo ông Nguyễn Châu Á, có rất nhiều lý do khiến một DN kinh doanh khách sạn hiện nay gặp khó hoặc phải bán tài sản để thoát lỗ. Nhóm đầu tiên là các DN vay vốn lớn, trải qua 3 năm dịch bệnh làm ăn yếu, không gồng gánh nổi nên đến giờ này bị “bung nợ”. Nhóm thứ 2 là các khách sạn chưa theo kịp xu hướng du lịch tự túc của khách, chưa chuyển đổi mô hình từ hệ thống phân phối truyền thống B2B (Business to Business) sang B2C (Business to Consumer). Trước đây, khoảng 60 – 70% lượng phòng ở các khách sạn là phục vụ khách du lịch theo đoàn, theo series booking của các công ty lữ hành, phần còn lại mới cần kiếm khách lẻ. Tuy nhiên, xu hướng giờ khách đi tự túc nhiều, đặt phòng trực tiếp qua các trang booking online nên khách sạn kinh doanh giảm sút. Nhóm còn lại giống trường hợp của Oxalis, đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các loại hình lưu trú khác như homestay, condotel, các căn hộ cho thuê kiểu Airbnb.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của LuxGroup, cũng nhìn nhận: Trong kinh doanh, việc một DN lời hay lỗ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không phải hoạt động tốt hay không, mà là do dòng tiền. Có nhiều DN có lãi nhưng vẫn phải bán tài sản, vẫn bị ngân hàng siết nợ. Vì thế, tăng trưởng ngành du lịch giai đoạn vừa qua là có thật. Lượng khách quốc tế và nội địa đều tăng. Đặc biệt, sau khi chính sách thị thực mới được áp dụng thì dòng khách Tây Âu, khách Mỹ tăng đáng kể. Vào mùa cao điểm, LuxGroup muốn đặt khách sạn cho các đoàn khách quốc tế từ 3 sao trở lên ở khu vực trung tâm, yêu cầu yên tĩnh, sạch sẽ, chất lượng tốt, cũng rất khó đặt, thường xuyên kín phòng.

“Có thể thấy nhu cầu du lịch tăng trưởng là có thật nhưng hệ sinh thái của các đơn vị ngành du lịch đang gặp khó cũng là thật. Có thể doanh thu của họ tăng nhưng chi phí cũng tăng, dòng tiền gặp khó hoặc không gánh nổi lãi vay ngân hàng”, ông Phạm Hà phân tích.

Từ thực tế trên, CEO của LuxGroup cho rằng ngành du lịch cần đánh giá một cách nghiêm túc về bài toán tăng trưởng giữa lượng và chất. Trước giờ, VN có xu hướng chạy theo sự tăng trưởng về lượng khách nhưng chưa thật sự chú ý tới việc sự tăng trưởng đó có kéo theo hoạt động của các ngành dịch vụ khác tiến lên tương ứng hay không, nền kinh tế có hưởng lợi tương xứng hay không. 

Chúng ta chưa có thống kê một cách trung thực và chi tiết về chi tiêu của du khách, để xây dựng những chính sách phù hợp. Phải có những chính sách mang tầm chiến lược quốc gia, từ định vị thương hiệu điểm đến tới thúc đẩy mạnh kinh tế đêm, mở toang liên kết vùng. Nếu cứ định hướng chung chung thì không thể làm được và những nghịch lý như khách đến đông, khách sạn vẫn lỗ, hệ sinh thái du lịch vẫn yếu… sẽ còn tiếp diễn.

Ông Phạm Hà


Quảng cáo

Added to wishlistRemoved from wishlist 0
Add to compare

Chân đèn Beike AR-189, Hàng nhập khẩu

349.999 
Added to wishlistRemoved from wishlist 0
Add to compare
Added to wishlistRemoved from wishlist 0
Add to compare
Added to wishlistRemoved from wishlist 0
Add to compare
Show next

Tin mới nhất

Tây Nguyên Media
Logo
Compare items
  • Total (0)
Compare
0

Khám phá thêm từ Tây Nguyên Media

Đăng ký ngay để tiếp tục đọc và truy cập kho lưu trữ đầy đủ.

Tiếp tục đọc

Shopping cart