Giữa tháng 8, thông tin Rafaelson Fernandes làm hồ sơ và gửi đơn xin nhập tịch Việt Nam được thông tin rộng rãi tới người hâm mộ. 31 bàn thắng ghi được ở mùa giải 2023-2024 và màn thể hiện suốt những năm tháng thi đấu tại Việt Nam là sự bảo chứng cho trình độ của Rafaelson so với mặt bằng chuyên môn của các tiền đạo nội.
Tranh cãi cầu thủ nhập tịch
“ Ngoại binh luôn đóng vai trò rất quan trọng với bóng đá Việt Nam. Dưới góc nhìn của người làm chuyên môn, tôi đánh giá ngoại binh đã nâng tầm chất lượng V.League. Từ thời điểm tôi thi đấu cách đây 20 năm đến bây giờ, trình độ chuyên môn của cầu thủ nội cũng như đẳng cấp của V.League đã cách rất xa ”, ông Hoàng Thanh Tùng – giám đốc kĩ thuật đội Thanh Hóa trả lời Báo điện tử VTC News.
Lời “tuyên chiến” của sao Thái Lan, lần duy nhất của thầy Park & nhiệm vụ cho HLV Kim Sang-sikĐỌC NGAY
Từ ngày V.League chính thức lên chuyên, rất nhiều cầu thủ ngoại đến và đi. Nhiều người trong số đó ở lại và được nhập tịch Việt Nam như Đinh Hoàng La (Lytovka Mykola), Đinh Hoàng Max (Maxwell), Nguyễn Rogerio (Rogerio), Phan Văn Santos (Santos), Huỳnh Kesley (Kesley Alves), Hoàng Vũ Samson (Samson Olaleye), Đặng Amaobi (Amaobi Ozuworu), Nguyễn Rodgers (Rodgers Nandwa), Nguyễn Trung Đại Dương (Suleiman),…
Xuất phát điểm của các cầu thủ hướng đến quốc tịch Việt Nam vẫn bởi yếu tố công việc từ câu lạc bộ. Được xem như nội binh, họ sẽ duy trì tuổi nghề tại V.League và kiếm nhiều tiền hơn. Lên đội tuyển Việt Nam là một động lực lớn khác. Dĩ nhiên, đá ở đội tuyển Việt Nam cũng giúp cầu thủ nhập tịch có nhiều tiền hơn.
Tuy nhiên, màn trình diễn kém duyên và câu chuyện nơi hậu trường từ sự xuất hiện của Hoàng La, Hoàng Max, Phan Văn Santos hay Kesley khoảng 15 năm trước khép lại cánh cửa lên tuyển với nhiều người đi sau. Thực ra, họ vẫn là những người có phẩm chất chuyên môn hơn xa cầu thủ nội.
Vấn đề nằm ở dấu hỏi về tính cống hiến của họ cho đội tuyển – nơi đòi hỏi về màu cờ sắc áo chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Trở lại V.League, các cầu thủ đá tốt, đá hay nhưng chẳng thể nào quay lại đội tuyển Việt Nam.
Nhập tịch cầu thủ là một trào lưu trong quá khứ nhưng đóng góp của lực lượng này cho đội tuyển chẳng khác nào con số 0 tròn trĩnh. Đến một thời điểm “vàng”, bóng đá Việt Nam lập nhiều chiến tích mà chẳng cần đến cầu thủ mang những cái tên “lạ”. Chuyện nhập tịch dần bị quên lãng cho đến khi vị thế của bóng đá Việt Nam lung lay dữ dội ở giai đoạn này.
Cầu thủ nhập tịch có nâng tầm đội tuyển Việt Nam?
“ Tôi cho rằng cầu thủ nhập tịch nếu được lựa chọn đúng người, đúng thời điểm sẽ giúp đội tuyển Việt Nam mạnh hơn. Chúng ta có nhiều cầu thủ thuần Việt chơi rất hay, nhưng cũng có vị trí thiếu người. Tôi không nêu rõ cái tên nào, trường hợp nào nhưng nếu cầu thủ nhập tịch thực sự đảm bảo chất lượng, đội tuyển Việt Nam tốt hơn là dĩ nhiên ”, ông Tùng nhận định.
Nhưng theo huấn luyện viên này, bài toán giờ đây cần được nhìn nhận ở góc độ rộng hơn. Nhập tịch ở câu lạc bộ thì nhiều lợi ích cho các bên liên quan, nhưng lên đội tuyển rất khác. Đội tuyển Việt Nam không thể ra sân với đội hình quá nửa nhập tịch.
Cho dù có tổ chức nhập tịch liên tục, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ phải chọn lọc rất kĩ để đưa ra quyết định triệu tập cầu thủ nhập tịch. Ví dụ, đội tuyển Việt Nam rất sẵn lòng chờ đợi Rafaelson. Theo tìm hiểu của Báo điện tử VTC News, HLV Kim Sang-sik cũng rất muốn đưa cầu thủ sinh năm 1997 lên đội tuyển Việt Nam.
Từ góc độ của VFF, dĩ nhiên đơn vị này mong muốn có thêm cầu thủ tốt dù là gốc Việt hay nhập tịch. Bất kì nền bóng đá nào cũng có giai đoạn sa sút và bóng đá Việt Nam đang trong chu kì này. Cầu thủ ngôi sao thì xuống dốc còn người trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của đội tuyển. Ông Troussier đã không giải được bài toán này.
HLV Kim Sang-sik mới đến Việt Nam và dè dặt với câu chuyện nhập tịch. Ông chủ động xây dựng kế hoạch cho riêng mình bằng các cầu thủ đang có sẵn. Với Rafaelson hay bất kì ngôi sao nhập tịch nào, họ sẽ có cơ hội nếu dược dư luận và VFF ủng hộ. Nhà cầm quân người Hàn Quốc tin vào cầu thủ Việt Nam.
Trên lý thuyết, cầu thủ ngoại từng cải thiện cả V.League nhờ sự cạnh tranh mà họ mang lại. Cầu thủ nhập tịch đủ sức khiến các đồng đội bản xứ phải cải hiện bản thân hơn nữa. Tuy nhiên, trào lưu nhập tịch là “con dao 2 lưỡi”.
Bóng đá Singapore và Philippines có giai đoạn sống bằng hơi thở của các cầu thủ nhập tịch. Sức mạnh của đội tuyển được tăng “nóng” và cũng “nguội” đi rất nhanh khi nhóm này sa sút. Khi đó, các cầu thủ trẻ bản địa không thể thay thế được họ.
Đội tuyển Việt Nam cần có một quy trình rõ ràng để sàng lọc cầu thủ nhập tịch từ chuyên môn, tính cách, văn hóa đến động lực cống hiến. Chuyện sử dụng nguồn lực từ bên ngoài phải được lên kế hoạch chu toàn nhất. Bằng không, ông Kim Sang-sik sẽ là nạn nhân của một bài toán bị giải sai cách.