Đại lễ Phục Sinh của người Công giáo

ĐÀ NẴNG – Người Công giáo vừa trải qua 40 ngày Chay thánh, ăn chay, sám hối, cầu nguyện, làm việc bác ái để chuẩn bị tâm hồn hướng đến đại lễ Phục sinh.

Mùa chay của người Công giáo kéo dài 40 ngày, bắt đầu bằng Lễ tro và kết thúc vào chiều thứ năm Tuần Thánh. Tro sau khi được linh mục làm phép sẽ rắc lên đầu hoặc vẽ lên trán tín hữu hình thánh giá để kêu gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Lễ tro được bắt đầu vào thứ tư theo lịch Công giáo mỗi năm, không cố định theo lịch dương như đại lễ Giáng sinh. Năm nay, thứ Tư lễ tro rơi vào ngày 14/2 (mùng 5 Tết Nguyên đán). Sau lễ tro, người Công giáo ăn chay, kiêng thịt.

Hình ảnh các Thánh lễ và nghi thức được ghi nhận tại Giáo xứ Chính Trạch, Giáo phận Đà Nẵng.

Trong suốt Mùa Chay, người Công giáo được kêu gọi sống tâm tình sám hối, cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Tại các giáo xứ thường có các giờ kinh, ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, sám hối (xưng tội), với sự tham dự của đông đảo tín hữu.

Chủ nhật cuối của Mùa Chay, người Công giáo tham dự lễ Lá. Sau khi làm phép lá, đoàn rước do Linh mục chủ tế sẽ cầm trên tay một cành lá, đại diện cho đám đông mang cành lá chào mừng Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem.

Việc chọn cành lá tuỳ thuộc vào từng miền khác nhau. Tại Việt Nam, hai loại lá chính thường được sử dụng là lá dừa và lá vạn tuế. Lễ Lá cũng bắt đầu cho Tuần Thánh, với nhiều nghi thức tưởng niệm Chúa Giêsu chịu khổ hình trên thập giá.

Chiều tối thứ năm trong Tuần Thánh, các nhà thờ cử hành thánh lễ Tiệc ly – bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với 12 môn đệ. Đây được gọi là ngày lễ tình yêu, khi đang trong giờ dùng bữa Chúa Giêsu đã rời khỏi bàn, lấy khăn thắt lưng và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ.

Trong thánh lễ này, khi đến nghi thức rửa chân, các linh mục cũng thực hành theo Chúa Giêsu. Nghi thức rửa chân là bài học yêu thương và khiêm nhường. “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, Kinh Thánh viết.

Trưa ngày thứ sáu Tuần Thánh, các nhà thờ sẽ Đi đàng Thánh giá, tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu khi bị bắt giam, tra tấn, sỉ nhục và bắt vác thánh giá lên đồi Núi Sọ để chịu đóng đinh.

Theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu vác thánh giá nặng, thường xuyên bị quân lính của Vương quốc Herod Judea, Đế quốc La Mã, đánh đòn. Người kiệt sức, ngã xuống đất ba lần.

Đa số các nhà thờ sẽ có giáo dân đóng các phân đoạn của 14 nơi thương khó, một số giáo xứ Linh mục sẽ trực tiếp đóng vai Chúa Giêsu, vác thánh giá qua các chặng thương khó.

Khi đến nơi hành quyết, Chúa Giêsu bị lột hết áo, sau đó đóng đinh hai tay và chân lên cây thập giá. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giêsu gục đầu xuống từ giã Đức Mẹ Maria. Ngài cũng dâng lên Thiên Chúa Cha những đau đớn, tổn thương người đời khinh bỉ và cầu nguyện “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Xác Người sau đó được các môn đệ tháo xuống, trao cho Đức Mẹ và táng xác trong hang đá.

Tối thứ sáu Tuần Thánh, các nhà thờ cử hành Nghi thức Suy tôn Thánh giá. Từ cuối nhà thờ, linh mục chủ tế cầm Thánh giá rước lên phía trên cung thánh, ngài dừng lại ba lần, dâng cao và hát “Đây là cây Thánh giá, nơi treo Đấng cứu độ trần gian”. Cộng đoàn đáp “chúng ta hãy đến thờ lạy”.

Linh mục chủ tế sau đó đặt Thánh giá lên bục để mọi tín hữu cùng đến hôn chân Chúa. Mỗi giáo dân xếp hàng, lần lượt lên hôn chân tỏ lòng tôn kính, thể hiện tình yêu thương với Chúa, đồng thời nhìn nhận mình là người có tội, xin được thứ tha và xác tín sống yêu thương nhau như lời Chúa dạy.

Tối thứ 7 Tuần Thánh, các nhà thờ cử hành Thánh lễ Vọng Phục sinh. Tất cả đèn điện trong nhà thờ phải tắt hết. Linh mục chủ tế làm phép lửa sau đó dùng mũi nhọn vẽ hình thánh giá, số năm và cắm năm hạt hương theo hình thánh giá trên nến Phục sinh, tượng trưng cho 5 vết thương Chúa Giêsu đã chịu để “xin Chúa gìn giữ và bảo vệ chúng ta”.

Linh mục chủ tế sau đó cùng cộng đoàn Kiệu nến Phục sinh. Vị chủ tế đi đầu, các giáo dân theo sau, dọc đường đi, lửa từ nến Phục sinh sẽ được thắp cho mọi người.

Đến phần công bố Tin Mừng, đèn điện trong nhà thờ mới bật sáng trở lại. Linh mục chủ tế cũng làm phép nước và cùng giáo dân lặp lại điều đã tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy là từ bỏ Xa-tan và trung thành phụng sự Chúa trong Hội thánh Công giáo.

Sáng Chủ nhật, ngày 31/3 là đại lễ Phục sinh. Các nhà thờ tổ chức thánh lễ vào đầu giờ sáng. Đầu thánh lễ, Linh mục chủ tế sẽ rẩy nước thánh để giáo dân làm dấu thánh giá, kỷ niệm bí tích thanh tẩy và nhờ đó các tín hữu tham dự vào màu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô.

Sau khi lãnh nhận Bí tích Thánh thể (rước lễ), các giáo dân được Linh mục Chủ tế ban bình an cuối Thánh lễ.

Linh mục Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn, Quản xứ Giáo xứ Chính Trạch, mời gọi giáo dân trong mùa Phục sinh nên sống yêu thương, thứ tha nhiều hơn.

Sau thánh lễ, cha Gabriel Nguyễn Ngọc Tuấn thưởng cho các ca đoàn hát thánh ca phục vụ trong Tuần Thánh vừa qua. Mọi người cùng vỗ tay chúc mừng Lễ Phục sinh. Trong ngày chủ nhật Phục sinh, người Công giáo kiêng việc xác, dành thời gian đến thăm hỏi người thân, dùng tiệc cùng nhau.

Lễ Phục sinh (mừng Chúa Giêsu sống lại) và lễ Giáng sinh (mừng Chúa Giêsu ra đời) là hai đại lễ của người Công giáo. Theo Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giáo phận Huế, lễ Phục sinh có ý nghĩa quan trọng hơn vì Chúa Giêsu đã hoàn tất chương trình cứu độ loài người, mở ra cơ hội cho loài người được sống hạnh phúc vĩnh cửu trong Vương quốc tình yêu. Tuy nhiên, Giáng sinh được trang trí, tổ chức thánh lễ rộn ràng hơn.

Nguyễn Đông(Báo VNExpress)

Bài viết mới

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang